Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

BÁNH XÈO


BÁNH XÈO
     Bánh xèo– cái tên rất mộc mạc, gần gũi xuất phát từ việc tráng bánh vào chảo tạo nên tiếng “xèo”, là loại bánh dân gian, mang đậm đặc trưng ẩm thực của người dân Nam bộ. Bánh thường được dùng quanh năm, nhất là vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 (âm lịch).
     Nguyên liệu làm bánh xèo có các thành phần để làm nhân bánh và bột. Đầu tiên, chuẩn bị phần nhân bánh: Dùng thịt nạc heo xắt lát nhỏ hoặc bằm nhuyễn (có thể thay bằng thịt gà hoặc thịt vịt băm nhuyễn), tép bạc cắt bỏ đầu đuôi, để nguyên con hoặc băm hạt lựu tùy sở thích, đậu xanh nguyên hạt luộc vừa chín, phi mỡ tỏi cho thơm rồi cho các thứ trên xào đều, nêm gia vị vừa ăn. Bên cạnh đó, thái củ sắn thành sợi dài (có thể dùng củ hũ dừa, đu đủ hoặc giá thay thế). Như vậy là xong phần nhân bánh.
     Tiếp theo, chọn bột gạo ngon pha một ít bội mì (nếu có bột nang mực thì bánh sẽ giòn và xốp hơn), trộn các loại bột trên với nước theo tỉ lệ 1 phần bột 2 phần nước, pha bột nghệ và cari để tạo màu vàng tự nhiên, cho gia vị, nước cốt dừa, trứng gà, hành lá thái nhỏ, … nhằm tạo mùi thơm và vị béo cho bánh, sau đó trộn đều hỗn hợp bột.
     Khi chảo đang nóng, thoa đều dầu và đổ khoảng 1 chén nhỏ (hoặc một giá) bột vừa trộn vào chảo, tráng cho bột mỏng đều, đậy nắp lại khoảng 1,5 phút, khi vành bánh vừa chín và bắt đầu bung lên thì cho nhân vào giữa bánh, gập đôi bánh lại, trở cho bánh vàng đều rồi xúc bánh ra.
     Một thứ không thể thiếu góp phần tạo nên sự hấp dẫn khi dùng bánh xèo là nước chấm chua ngọt, chế biến từ đường, chanh, ớt, tỏi và củ cải đỏ thái sợi, được pha chế thật vừa ăn.
     Điểm đặc biệt khi ăn bánh xèo là thực khách phải trực tiếp dùng tay, cuốn miếng bánh vàng ươm, giòn rụm còn nghi ngút khói với các loại rau như: Cải xanh, salách, rau thơm, đọt cóc, lá cách, lá lụa, lá tra, …chấm với nước mắm và thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon đậm đà mà dân dã của món bánh này.



Ếch đồng nướng sả ớt ngày mưa lạnh

Những ngày mưa lạnh lại thèm cái cảm giác được hít hà, xuýt xoa bên bếp than hồng và thèm cả những lúc ngoại xé cho miếng đùi ếch và nói: “Ngon hè, ngon hè”...
Miền Trung mưa nhiều lắm, cứ dầm dề, dai dẳng, trời lúc nào cũng chực tối sầm lại. Cứ sau trận mưa to, cả cánh đồng ngập tràn tiếng kêu “ếch ộp, ếch ộp…”, đó cũng chính là lúc anh em chúng tôi người cầm đèn, người cầm túi, cầm gậy làm một "hành trình" đi bắt ếch.
 
Ếch đồng nướng sả ớt
 
Đi bắt ếch cũng có cái thú của nó, dù rất sợ ma nhưng lần nào các anh đi tôi cũng cố đi theo cho bằng được. Vừa sợ vừa run nhưng mỗi khi chụp được ếch rất khoái chí. Lắng nghe tiếng ếch kêu râm ran khắp cả cánh đồng và tìm cách xác định được vị trí của chúng thì rất dễ bắt. Chẳng thế mà lúc nào về túi mấy anh em cũng đầy những ếch là ếch.
 
Món ếch nướng sả ớt của bà ngoại là món cây nhà lá vườn nhất bởi ếch do chúng tôi tự tay đi bắt, còn sả, ớt, rau thơm… vườn ngoại không hề thiếu. Đặc biệt là cái bếp than gia truyền mà bà tự hào “60 năm vẫn chạy tốt”.
 
Ếch đồng có thể chế biến được nhiều món rất ngon: ếch xào sả, ếch lăn bột, ếch nấu cháo... nhưng món ếch nướng sả ớt với chúng tôi lúc nào cũng ngon tuyệt cú mèo.
 
Món ếch nướng phải để cả da nên khi làm chỉ rửa sạch, lấy ruột và để nguyên con. Bằm sả, ớt cho nhuyễn, trộn với ít muối, đường, mì chính, tiêu, dầu ăn… thành một hỗn hợp sền sệt rồi ướp lên thân ếch khoảng 30 phút cho ngấm gia vị. Khi nướng phải chú ý không để than rực quá làm da ếch bị đen, cũng không để than bị tắt vì sẽ làm thịt ếch mềm.
 
Khi lớp da bên ngoài vàng ươm là món ếch vừa chín. Món này không dùng đũa để gắp mà dùng tay xé mới ngon. Thịt ếch trắng nõn, thơm, vừa giòn vừa dai ăn kèm rau thơm và chấm muối trắng giã với ớt xanh ngon không thể cưỡng lại được.
 
Bây giờ dù đã đi ăn ở nhiều quán có món ếch nướng nhưng không ở đâu có cái vị như món của ngoại, một phần vì là ếch nuôi, phần khác không tìm lại được cảm giác ngồi đợi mà nuốt nước miếng ừng ực như ở nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét