Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Xuân, Hạ, Thu Đông... rồi lại Xuân: Sắc, Không...

Xuân, Hạ, Thu Đông... rồi lại Xuân: Sắc, Không...

Xuân, Hạ, Thu Đông... rồi lại Xuân: Sắc, Không...

Tên của bộ phim đã nói lên rất nhiều điều - Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân - đó là vòng quay của thời gian mà cũng là vòng quay của số phận con người. Bình thường thôi, cứ lần lượt qua cái ấm nóng của mùa hạ, qua cái se lạnh của mùa thu, qua cái lạnh giá của mùa đông, rồi nhất định, dù người ta có mong chờ hay ngăn trở thì mùa xuân rồi cũng sẽ quay về.
spring_summer_fall_winter

Mở đầu bộ phim là sự tĩnh lặng, giữa không gian mênh mông núi rừng, chênh vênh một ngôi chùa nhỏ. Hồ nước êm ả là sợi dây ngăn cách thế giới bên ngoài ở đâu đó với ngôi chùa, với sự bình yên của hai người trong chùa: vị sư già và cậu bé con. Tôi rất thích chi tiết chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ trôi, có khi có người chèo, có khi không. Chiếc thuyền trôi từ bờ bên này hồ có ngôi chùa lặng lẽ sang bờ bên kia của thế giới xô bồ, từ bờ bên này của tĩnh – trong sang bờ bên kia của động – đục, từ bên này của tĩnh sang bờ bên kia của mê… Hay là ngược lại? Kể ra cũng khó nói cho đúng, vì ở đâu có con người, thì ở đó có đục – trong, mê hay tỉnh cũng chỉ do lòng người mà thôi.
Spring, Summer, Fall, Winter ... and Spring
Bắt đầu của một năm là mùa xuân, bắt đầu của đời người là thời thơ ấu. Chú tiểu “con ai đem bỏ chùa này” còn ngây thơ chơi đùa với ếch nhái. Chú lớn lên trong sự bình yên do sự cách biệt về không gian và sự chở che của vị sư già. Mọi việc cứ tươi vui. Nhưng rõ ràng một năm thì không chỉ có mùa xuân và con người thì không thể níu giữ sự vô tư của tuổi thơ mãi mãi, bởi như thế đâu còn là cuộc đời?

Rồi có một cô gái đến đến từ bờ bên kia, chú tiểu – chàng thanh niên bước vào mùa hạ. Cô gái đang mắc tâm bệnh. Sự gặp gỡ của chàng trai trẻ và cô gái trẻ đã tạo nên mùa hạ ấm áp cho cả hai người. Chuyện gì xảy ra tất xảy ra, đất đá cũng biết, tượng Phật hẳn nhiên cũng biết nhưng nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân – hạ - thu – đông, bốn mùa cứ tuần tự trôi qua. Có gì để mà trách cứ khi cô gái, chú tiểu đều là con người, nhất là những người tuổi hạ tràn căng máu nóng? Dưới mặt trời mùa hạ, trời ấm, người ấm, cô gái rạng rỡ rồi cũng tới lúc phải đối mặt với sự thật là cô gái đã lành bệnh, vị sư già bảo cô gái quay về bờ bên kia. Cô gái xuống thuyền. Như con bướm đuổi theo mùi hương, cô gái đi, chú tiểu cũng khăn gói đi theo mùa hạ của chú, hơi ấm đầu đời của chú.
Vị sư già biết hết, hiểu hết... Chỉ có chú tiểu là chưa ngộ được Phật pháp mà thôi. Liệu chú có hiểu lời vị sư già, liệu chú có nhớ rằng trong “thập nhị nhân duyên” gây ra cuộc sống đau khổ cho loài người thì “ái” sinh ra “thủ” rồi tới “hữu”. Tình yêu, phải, chính tình yêu mà chú đang đuổi theo ấy sẽ sinh ra nhu cầu chiếm hữu rồi sẽ lại tạo một vòng luân hồi những hạnh phúc và khổ đau –mà có lẽ là nhiều hơn hạnh phúc.

Có lẽ Phật cũng nói thầm: “Chẳng sao đâu mà, bình thường như bốn mùa ấy thôi, đi hay ở hẳn nhiên là đã có tiền duyên, có tránh được đâu mà.” Chùa hai người, giờ chỉ còn một. Một ông sư già và một con mèo con. Mặt trời dịu lại, mùa hạ cũng qua đi. Mùa thu dần đến, núi non rực vàng.

Chẳng biết mấy mùa thu nhuộm vàng rừng núi như thế thì chú tiểu ngày xưa – người đàn ông râu tóc rậm rạp bây giờ quay về. Không phải chỉ thay đổi ở hình dạng mà còn thay đổi cả tâm hồn. Gã đã giết người, thù hận bốc cháy người và gã mang về chùa cả con dao – hung khí gã đâm vào người yêu ngày xưa, nay đã là người hận.
summer
Thản nhiên như không, như vẫn thế từ bao lâu nay, vị sư càng già càng ít nói: “Chú khổ thì người khác cũng khổ.” Nghe chừng như chuyện khổ là tất nhiên, có gì để nói? Chỉ là chuyện xuân hạ thu đông. Thì từ lâu, người ta còn lạ gì “Đời là bể khổ” với ít nhất tám nỗi khổ: sinh, lão, bệnh, tử, thụ biệt ly, oán tăng hội, sở cầu bất đắc, ngũ thụ uẩn.

Cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng. Kẻ sát nhân có dao. Dao đấu súng và máu sẽ đổ trên sân chùa. Ông sư già lom khom viết chữ trên sân, không rời bút, thản nhiên như không, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao, Đức Phật vẫn dạy thế. Buông dao thì thành chánh quả. Dao hết là dao thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết là cảnh sát, sát nhân chẳng còn râu tóc, chỉ còn hai trăm sáu mươi chữ của bài kinh Bát Nhã trên sân. Vị sư già bảo người đàn ông dùng con dao vừa buông xuống ấy mà khắc theo nét chữ ông viết ở trên sân. Gã khắc suốt ngày đêm, khắc tới rách da tay, tới khi kiệt sức. Khắc rằng:

"Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị…"
Sáng hôm sau, cảnh sát đến dẫn hắn lên thuyền sang bên kia bờ. Mọi chuyện xảy ra như chẳng có gì để nói, tất nhiên như thế.

Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ kín núi non. Một mùa tuyết, hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, một hôm nào đó lạnh giá, một người đàn ông đứng tuổi xuất hiện, đi từ bên kia sang bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Đó là người cũ, đã mãn giấc bướm, mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Tới một lúc chẳng cần duyên cớ, chẳng cần con thuyền đưa, tới đúng thời điểm, thì người ta phải quay về với đúng chỗ của mình thôi. Rồi từ khi người đàn ông bước qua mặt hồ đóng băng thì ông thành sư. Bước qua mặt hồ, bỏ lại sau lưng những ác duyên, nghiệp báo, bỏ lại thế giới mà ông đã từng tha thiết muốn bước vào, bỏ lại cả tình yêu, cả thù hận.
spring again
Nhưng từ giã cuộc đời bên kia đâu phải là diệt nó, trái lại, phải sống với nó. Mà cuộc đời ở bên kia đâu có để cho sư quên. Nó nhắc nhở sư ở chính ngay khởi điểm, ở tiếng khóc bắt đầu sự sống. Cho nên, giữa giá băng như thế, một buổi sáng, chùa chưa mở cửa đã vang lên tiếng khóc sơ sinh trước sân. Một thiếu phụ từ đâu tới, giấu nước mắt, lẳng lặng đem con lên bỏ chùa này, giao cho chùa giọt máu chắc hẳn là kết quả của một hạnh phúc – cái hạnh phúc không bền hơn sương tan đầu cỏ. Câu chuyện đó ông đã biết quá rồi, câu chuyện của chính ông. Cho nên có gì xảy ra ông cũng sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, chẳng có gì để nói, bình thường như xuân, hạ, thu, đông trôi qua trên mái chùa mà thôi.

Đấy, băng giá tan rồi, mùa đông đã trôi qua, một mùa đông, hai mùa đông … Rồi mùa xuân tới! Trẻ sơ sinh đã thành chú tiểu nhỏ, ngây thơ chơi đùa với ếch nhái. Chỉ mươi mùa xuân nữa thôi là chú tiểu sẽ bước vào tuổi hạ. Coi chừng, chú sắp xuống thuyền sang bờ bên kìa, lại sắp rút dao, rồi biết đâu sắp khắc lên nền gạch: “Có chẳng khác không, không chẳng khác có…” Nói gì nữa? Có gì để nói? Ừ, thì biết hết cả rồi, đã thành quy luật thì thiên nhiên cũng không đổi mà con người thì vẫn thế cả thôi.

Bởi cuộc đời “vô thường”, vạn vật biến đổi vô cùng theo chu trình bất tận sinh - trụ - dị - diệt, vậy thì “sắc sắc” – “không không” luân hồi bất tận, “thoáng có”, “thoáng không”, cái tưởng còn thì chẳng còn, cái ngỡ mất chẳng còn mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét